Cây nắp ấm
Tên khác: Cây nắp ấm hay còn gọi là cây bình nước, nắp bình cất, nắp nước, trư lung thảo, bình nước kỳ quan, cây bắt mồi, trư tử lung (Trung Quốc) Tên khoa học: Nepenthes mirabilis (Lour.) Druce. Thuộc họ nắp ấm Nepenthaceae. Tiếng Trung: 猪笼草 Cây nắp ấm ( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….) Mô tả cây Cây mọc leo, cao 1-2m, thân rất dai, lá có cuống dài, ôm vào thân, lá hình bầu dục, dài khoảng 10cm, phía trên lá tạo thành một cuống hình dây, uốn cong, dài chừng 15cvm, với đầu biến thành cái bình, trông như cái hoa, nhưng không phải hoa nên có tên bình nước. Bình hình trụ, hơi phồng ở gốc, mặt bình có nắp đậy, mặt trên nắp trơn, mặt dưới có nhiều phiến phân phối đều, trong bình tiết ra một chất nhầy, khi nào có côn trùng vào trong bình, thì lập tức nắp đậy kỹ lại, chất nhầy trong bình tiêu huỷ sâu bọ. Cụm hoa là một chùm, thưa. Hoa đực hoặc cái. Lá dài hình bầu dục, mặt trong có nhiều phiến nhỏ, cột nhị dài bằng các lá dài, 16-20 bao phấn cong, xếp thành hai dãy. Bầu hình trứng, phủ lông trắng, vòi ngắn, đầu nhị 4 thuỳ. Quả năng, hạt mảnh và dài. Ngoài cây nắp ấm Nêpnthes mirabilis kể trên, còn thấy có N.annamenis, N.Thorelli H. Lec., N.Geoffrayi H. Lec. Phân bố, thu hái và chế biến Nắp ấm là một cây chủ yêu mọc hoang ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Còn thấy ở chân núi đá vôi các tỉnh nói trên. Tại miền Bắc mới chỉ gặp ở Vĩnh Linh. Mùa hoa thường gặp vào tháng giêng. Người ta thu hái toàn cây, quanh năm, rửa sạch, chặt thành từng đoạn 2-3cm, phơi nắng cho khô dùng dần. Bộ phận dùng: Thu hái toàn cây, đem về rửa nhanh, thái nhỏ, phơi khô để dành, dùng riêng hoặc phối hợp những vị thuốc khác. Vị thuốc nắp ấm ( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. ) Tính vị: Vị ngọt, nhạt, tính mát. Công dụng: Thanh nhiệt, lợi thủy, hóa đàm, chỉ khái, tiêu viêm, hạ huyết áp. Liều dùng: 15-30g hoặc 30-60g khô Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc nắp ấm Gan nhiễm mỡ (dựa vào siêu âm và kết quả xét nghiệm máu): Toàn cây nắp ấm phơi khô, liều dùng 30-50g/ngày. Cách dùng: nấu với 3 lít nước giữ sôi lửa 20 phút, để nguội uống thay trà hàng ngày. Liên tục 30 ngày, có thể dùng liên tục 3 tháng, kết quả rất tốt, chúng tôi chưa gặp phản ứng nào. Sỏi thận, sỏi đường niệu: Nắp ấm 30g, dây bòng bong 20g, bạch tật lê 12g, thương nhỉ tử 12g, mộc hương 6g, trần bì 6g. Nấu với 1.500ml, còn 600ml chia 3 lần uống/ngày. Đơn này có thể dùng 30 ngày. Đái tháo đường, khát nước nhiều, khô cổ: Nắp ấm 30g, giảo cổ lam 25g, thiên môn đông 25g. Nấu với 3 lít nước giữ sôi 20 phút. Chia 3-4 lần uống trong ngày, liên tục 1-3 tháng. Theo dõi đường huyết thường xuyên. Tham khảo Chú ý khi dùng vị thuốc nắp ấm: Không dùng cho phụ nữ có thai. Người hay tiểu đêm không uống nắp ấm vào chiều-tối, nên uống sáng-trưa. Uống nước nắp ấm nước tiểu sẽ có màu đỏ sẫm như màu cà phê, không phải lo lắng. Kinh nghiệm dân gian sử dụng nắp ấm: Ở Trung Quốc dùng trị: viêm gan hoàng đản; đau loét dạ dày-tá tràng; sỏi niệu đạo, bệnh đường tiết niệu; cao huyết áp, đái tháo đường; cảm mạo, ho gà, ho, khái huyết (ho ra máu). Liều dùng: 15-30g hoặc 30-60g khô. Lê Quí Ngưu và Trần Thị Như Đức (tư liệu y học cổ truyền Đông phương. 4-1993) đã giới thiệu nắp ấm có vị ngọt, nhạt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoá đờm, chỉ thống (làm hết đau). Hai tác giả còn giới thiệu theo kinh nghiệm nhân dân Trung Quốc, nắp ấm chữa vàng da do viêm gan, đau do loét dạ dày, tá tráng, sỏi niệu quản, huyết áp cao, ho do cảm mạo, ho gà. Còn riêng hai tác giả, theo kinh nghiệm nhân dân miền Trung, dùng điều trị các chứng phù thũng toàn thân, trong hầu hết các trường hợp đều thu được kết quả cao. Nếu dùng khô ngày dùng 20-40g, nếu dùng tươi ngày dùng 40-80g dưới dạng thuốc sắc. Uống hàng ngày cho tới khi bệnh hết. Theo các tác giả, dùng thuốc nắp ấm lâu dài không có phản ứng phụ nào.