Nhài
Tên khác Tên thường gọi: Nhài còn gọi là Lài, Nhài đơn, Nhài kép, Mạt lị, Mạt lợi. Tên khoa học: Jasminum sambac (L.), Ait. Họ khoa học: Thuộc họ Nhài – Oleaceae. Cây Hoa nhài (Mô tả, hình ảnh cây Hoa nhài, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…). Mô tả: Cây nhỡ có khi leo, cao 0,5-3m, có nhiều cành mọc xoà ra. Lá hình trái xoan bầu dục, bóng cả hai mặt, có lông ở dưới, ở kẽ những gân phụ. Cụm hoa ở ngọn, thưa hoa. Lá bắc hình sợi. Hoa màu trắng, thơm ngát. Quả hình cầu, màu đen bao bởi đài tồn tại, có 2 ngăn. Bộ phận dùng: Hoa, lá và rễ – Flos, Folium et Radix Jasmini. Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Ấn Độ, được trồng làm cảnh khắp nơi. Hoa thường dùng để ướp trà hoặc để làm thơm thức ăn. Vào mùa thu đông, đào lấy rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Lá thu hái quanh năm. Hoa thu hái vào hè thu, khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô. Thành phần hoá học: Chỉ mới biết trong hoa có một chất béo thơm, hàm lượng 0,08%. Thành phần chủ yếu của chất béo này là parafin, ester formic acetic-benzoic-linalyl và este anthranylic metyl và indol. Vị thuốc Hoa nhài (Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…) Tính vị, tác dụng: Hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát Tác dụng: Có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt giải biểu, lợi thấp. Rễ có vị cay ngọt, tính mát, hơi có độc; có tác dụng trấn thống, gây tê, an thần. Công dụng: Hoa và lá dùng trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng, ỉa chảy, lỵ, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khoé mắt và màng mộng, chữa trẻ em lên sởi có sốt, sởi mọc không đều. Lá cũng dùng trị bạch đới. Lá khô ngâm trong nước rồi làm thành dạng thuốc đắp trị loét ngoan cố. Rễ trị Mất ngủ, đòn ngã bị thương. Còn dùng để điều kinh. Cũng dùng nước sắc bôi trị viêm mũi, viêm giác mạc. Liều dùng: 3-5g hoa, lá dạng thuốc sắc, còn dùng hoa pha làm trà uống; dùng 1-1,5g rễ nghiền trong nước. Người có thai và cơ thể suy nhược không nên dùng. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Hoa nhài Ngoại cảm phát sốt, ỉa chảy: Hoa Nhài 6g, Chè xanh 10g, Thảo quả 3g, sắc uống. Đau mắt: Hoa nhài 6g, dùng riêng hay phối hợp với Kim ngân hoa và hoa Bạch cúc, mỗi vị 9g, đun sôi lấy nước xông rồi uống. Hoặc lấy lá giã vắt lấy nước, trộn với lòng trắng trứng gà đắp. Rôm sẩy: Lá Nhài vò vào nước để tắm, có thể phối hợp với lá Ngải cứu. Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hoa nhài 10g, hoa hòe 10g, kim cúc 6g, hoa đại 6g. Sắc với ba bát nước còn một bát, chia uống hai lần trong ngày. Uống vào buổi sáng và tối sau bữa ăn. Mỗi liệu trình uống 10 ngày. Nhức mỏi, đau đầu gối: Hoa nhài 50g, móng giò lợn 200g. Cách chế biến: Móng giò lợn rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị. Hoa nhài đã rửa sạch để ráo. Cho 3 bát nước đun sôi móng giò khoảng 30 phút, cho hoa nhài vào, nêm gia vị vừa đủ bắc ra ngay. Ăn khi canh còn nóng, có thể dùng làm canh ăn với cơm. Mỗi tuần nên ăn khoảng 3 – 5 lần. Chữa mất ngủ: Rễ Nhài 1-1,5g, nghiền trong nước, lấy hỗn dịch uống. Hoa nhài 10g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 10g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần. Uống liên tục trong 7 ngày. Hoặc hoa nhài 6g, tâm sen 8g. Hoa nhài và tâm sen hãm với nước sôi uống nhiều lần trong ngày. Uống liên tục từ 7 – 10 ngày sẽ thấy kết quả rõ rệt. Trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do ăn thức ăn sống lạnh: Hoa nhài 10g, vỏ quả lựu 10g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống trong 4 ngày. Hoặc hoa nhài 6g, chè xanh 10g, thảo quả 3g, vỏ dộp ổi 3g. Cách dùng: 4 thứ trên đem sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống sau các bữa ăn. Uống liên tục trong 3 ngày. Giúp thanh nhiệt mùa hè, tăng cường sức đề kháng: Hoa nhài khô 1 thìa, cho hoa nhài vào bình trà, cho 300ml nước sôi để hãm, 5 phút sau trà có mùi thơm, uống được, người thích ngọt thì cho thêm mật ong hòa đều để nguội uống. Hoặc hoa nhài khô 6g sắc uống thay nước hàng ngày. Bài thuốc này có công dụng thanh thuần tỉnh não, khai khiếu giải phiền.