Tầm xoọng
Tên khác Tên thường gọi: Tầm xoọng còn gọi là Gai xanh, Quýt gai, Ðộc lực, Mền tên, Cúc keo, Quýt hôi, Quýt rừng, Cây gai xanh, Tửu bính lặc, Cam trời. Tên khoa học: Severinia monophylla (L.) Tanaka (Limonia monophylla L., Atalantia bilocularis Wall., A. buxifolia (Poir.) Oliv.). Họ khoa học: thuộc họ Cam – Rutaceae. Cây Tầm xoọng (Mô tả, hình ảnh cây Tầm xoọng, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả: Cây nhỡ phân nhánh nhiều, cao 1-2m, nhẵn, có gai thẳng dài đến 3-4cm, nằm ở nách lá. Lá nguyên, rất dai, xoan dài 1,5-5cm, tròn hay lõm ở đầu, thon hẹp hay tròn ở gốc không lông, dày, cứng, có điểm tuyến, gân bên khít nhau, gân mép đi gần sát mép, mép uốn xuống, cuống ngắn 3-4mm. Hoa trắng, gần như không cuống, xếp thành nhóm nhỏ ở nách các lá. Quả nạc, đen, hình cầu, đường kính 10-12mm, có 2 hạt. Ra hoa tháng 6-8, quả tháng 9-12. Bộ phận dùng: Rễ, lá và quả – Radix, Folium et Fructus Severiniae Monophyllae. Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc và Việt Nam. Cây mọc phổ biến ở miền Bắc Việt Nam và dọc theo duyên hải các tỉnh miền Trung. Thu hái rễ, lá quanh năm; rễ rửa sạch thái phiến, phơi khô dùng dần. Lá phơi trong râm đến khô. Quả hái khi còn xanh, phơi khô. Thành phần hóa học: Phân tích dược lý cho thấy toàn cây có tinh dầu, quả xanh chứa chất nhầy. Vỏ rễ có severifolin, N-methylseverifolin, atalaphylin, N-methylatalaphylin, 5-hydroxy-N-methyl-severifolin. Tác dụng dược lý: Tầm xoọng có tác dụng chống co thắt cơ trơn, nước sắc của nó ức chế co bóp do histamine và acetylcholin gây ra. Ngoài ra còn giúp chống choáng phản vệ, giảm ho. Vị thuốc Tầm xoọng (Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…) Tính vị: Tầm xoọng là vị thuốc quý có vị đắng, tính mát hơi ấm, có mùi thơm; Tác dụng: Có tác dụng khư phong giải thử, hóa đàm chỉ khái, lý khí chỉ thống. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Cúm, cảm mạo, đau đầu, ho, viêm nhánh khí quản, sốt rét; 2. Ðau dạ dày, viêm khớp xương do phong thấp, Đau lưng gối. Rễ được dùng sắc hoặc ngâm rượu uống chữa tê thấp, rắn cắn. Quả xanh hấp với đường, nghiền nát uống Chữa ho. Liều dùng Ngày dùng 10-15g (tới 30g) rễ hoặc lá; 8-16g quả, sắc nước uống. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), rễ dùng trị đòn ngã và gẫy xương. Ứng dụng lâm sàng của Tầm xoọng Các khớp sưng đau, đi lại khó khăn, toàn thân mệt mỏi: Gai tầm xoọng 25g sao vàng hạ thổ, sắc uống. Hoặc gai tầm xoọng 16g, thổ phục linh 16g, tục đoạn 12g, ngải diệp 12g, đương quy 12g, kê huyết đằng 12g, thiên niên kiện 10g, quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần/ngày. Cần gia giảm theo chứng trạng của người bệnh: – Đau lâu ngày, cơ thể gầy yếu da xanh, gia đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 12g. – Đau ngực khó thở, gia hắc táo nhân 16g, lạc tiên 16g, hạt muồng (sao) 16g. – Ăn uống kém, tiêu hóa trì trệ, gia bạch truật 12g, trần bì 12g, biển đậu 16g. Đau vai cổ, một bên cánh tay khó cử động: Gai tầm xoọng sao vàng hạ thổ 20g, nam tục đoạn 20g, tang chi 12g, rễ cúc tần 12g, kinh giới 12g, quế 10g, thiên niên kiện 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Có thể kết hợp với bài thuốc chườm: ngải diệp 50g, rễ lá lốt 15g. Hai thứ sao rượu, gói vào miếng vải, chườm tại chỗ. Khi thuốc nguội, sao lại và chườm tiếp. Khớp gối đau nhức, có biểu hiện xơ cứng, hạn chế vận động: Gai tầm xoọng sao vàng hạ thổ 20g, Cát căn 16g, Huyết đằng 12g, Đương quy 12g, Tục đoạn 12g, Phòng phong 12g, Tế tân 10g, Quế 10g, Đơn hoa 12g, Chích thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Công dụng: trừ thấp giảm đau, thông kinh hoạt lạc. Nếu bệnh nhân là người cao tuổi, ít ngủ, gia hắc táo nhân 16g, hạt muồng (sao) 12g, bạch linh 12g. Ho hen, khó thở, đau họng mắc đờm: Gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ) 16g, cát cánh 12g, trần bì 12g, mạch môn 12g, đại táo 6 quả, tang bạch bì 16g, hoàng kỳ 12g, mơ muối 12g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Kiêng cua ốc, cá tươi, thịt gà. Ho kéo dài do biến chứng của cảm cúm: Gai tầm xoọng 16g, tế tân 12g, kinh giới 12g, mạch môn 16g, cát cánh 12g, bách bộ 12g, trần bì 12g, thục địa 12g, huyền sâm 10g, xa tiền thảo 16g, rau má 20g, lá xương sông 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Trẻ em ho gà: Gai tầm xoọng (dùng lá) 6g, hoa đu đủ đực 6g, cát cánh 6g, lá tía tô 6g, trần bì 6g, tang bạch bì 6g. Đổ nước 300ml, sắc lấy 100ml, chia 3 – 4 lần cho trẻ uống trong ngày. Ho khan do phế nhiệt: Gai tầm 16g, thiên môn 12g, tang diệp 20g, xa tiền thảo 20g, lá xương sông 20g, lá đinh lăng 20g, rau má 24g, bạch linh 10g, mơ muối 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Phụ nữ bị bế kinh: Đau bụng dữ dội, bụng dưới căng đầy, da mặt nóng nổi mụn: gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ) 24g, ích mẫu 16g, đương quy 12g, tô mộc 16g, trạch lan 16g, đan sâm 16g, kê huyết đằng 12g, hương phụ 12g, quế 8g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Uống nóng. Mụn nhọt sưng tấy: Lá tầm xoọng giã nhỏ chung với giấm để đắp lên mụn. Nếu mụn nhọt hay vết thương lở loét thì dùng lá tầm xoọng nấu nước rửa. Sau đó lấy lá tầm xoọng và thanh táo rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ đắp rịt. Viêm phế quản, ho: Rễ tầm xoọng, rễ bồ hòn, mỗi vị 30 g, cẩm (peristrophe bivalvis) 15 g, cò ke 15 g. Tất cả sắc nước uống. Đau dạ dày: Rễ tầm xoọng 30 g, quýt 6 g, củ gấu, màng tang, mỗi vị 10 g. Tất cả sắc nước uống. Sốt rét: Rễ tầm xoọng từ 30 đến 60 g, sắc lấy nước. Uống trước khi lên cơn sốt 4 giờ. Cứ cách từ 3 đến 5 ngày lại uống đợt khác.