Thủy tiên
Tên khác Tên thường gọi: Thủy tiên. Tên khoa học: Narcissue tazetta L. var. chinensis Roem. Họ khoa học: thuộc họ Thủy tiên – Amaryllidaceae. Cây Thuy tiên (Mô tả, hình ảnh cây Thủy tiên, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….) Mô tả: Cây nhỏ, có thân hành to hình trứng tròn. Lá dài 30-45cm, rộng 1-1,8cm, đầu không nhọn, màu xanh mốc mốc. Hoa thường xếp 4-8 cái thành tán ở ngọn một cán hoa trần, có một mo mỏng bao bọc trước khi hoa nở. Hoa thơm, rộng đến 3cm; bao hoa màu trắng, có ống dài khoảng 2cm; mang các thùy hình trứng ngược, cong ra bên ngoài, tràng phụ màu vàng, hình chuông. Ra hoa mùa đông, kết quả tháng 4-5. Bộ phận dùng: Thân hành, hoa – Bulbus et Flos Narcissi Chinensis, thường gọi là Thủy tiên Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc ở Trung Quốc, ta thường trồng vào dịp Tết làm cây cảnh vì hoa đẹp và thơm nhưng không thật phổ biến lắm. Thành phần hóa học: Trong củ có các alcaloid pseudolycorine, lycorine, tazettin. Vị thuốc Thuỷ tiên (Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng ….) Tính vị, tác dụng: Củ Thủy tiên có vị đắng, cay, tính lạnh, có độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bài nùng tiêu thũng. Nó cũng có tác dụng làm gây nôn. Hoa có tác dụng hoạt huyết điều kinh, khư phong trừ nhiệt. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa mụn nhọt lở ngứa, trùng độc cắn, sưng vú, hóc xương cá. Người ta cùng dùng Thủy tiên làm thuốc gây nôn và long đờm.