HÀ THỦ Ô ĐỎ
Tên khác Tên thường gọi: hà thủ ô đỏ, thủ ô, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình, măn đăng tua lình, mằn nắng ón. Tên khoa học: Fallopia multiflora Tên la tinh: Radix Polygonum multiflorum Tên tiếng Trung: 何首乌 Tên thực vật: fleeceflower root Hà thủ ô. Họ khoa học: họ Rau răm (Polygonaceae). Cây hà thủ ô đỏ (Mô tả, hình ảnh cây hà thủ ô đỏ, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý) Mô tả Cây hà thủ ô đỏ là một cây thuốc quý, dạng cây thảo leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, thân dài tới 5-7m, mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía, không lông. Rễ phình thành củ, ngoài nâu, trong đỏ. Lá mọc so le, có cuống dài, phiến lá giống lá rau muống, có gốc hình tim hẹp, chóp nhọn dài, mép nguyên. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm nhiều chuỳ ở nách lá hay ở ngọn. Quả bế hình ba cạnh, màu đen. Nơi sống và thu hái Cây có nguồn gốc từ Châu Á, thường mọc hoang ở các vùng đồi núi. Hiện tại được trồng làm thuốc. Ở Trung Quốc cây được trồng nhiều ở các tỉnh: Hà Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Tứ Xuyên, Giang Tô, Quảng Tây và một số nơi khác. Ở Việt Nam cây hà thủ ô mọc hoang ở các vùng rừng núi như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn…Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phú) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định. Có thể tái sinh bằng hạt nhưng thường được trồng dễ dàng bằng những đoạn thân hay cành bánh tẻ dài 30-40cm hoặc bằng củ có đường kính 3-5cm. Sau 2-3 năm thì thu hoạch. Thu hoạch vào mùa đông khi cây đã tàn lụi. Lá có thể dùng làm rau ăn; dây lá cũng có thể dùng làm thuốc. Lấy củ rửa sạch cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ thành miếng phơi khô làm thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc Rễ củ hà thủ ô đỏ. Rễ củ hình tròn, dài, không đều, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi theo chiều dọc, hay chặt thành từng miếng to. Mặt ngoài có những chỗ lồi lõm do các nếp nhăn ăn sâu tạo thành. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, ở giữa có ít lõi gỗ. Vị chát. Bào chế Củ hà thủ ô đỏ có thể dùng tươi hoặc bào chế lại rồi mới dùng Cách bào chế hà thủ ô – Đỗ đen giã nát cũng ngâm với Hà thủ ô đã thái miếng trong một đêm, sáng đem đồ lên rồi phơi nắng trong một đêm lại ngâm với Đỗ đen, lại đồ và phơi, làm 9 lần. – Củ Hà thủ ô ngâm nước vo gạo 24 giờ, rửa lại rồi cho vào nồi, cứ 10g Hà thủ ô, cho 100g Đỗ đen và 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn. Đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước Đỗ đen thì tẩm, phơi cho hết. Đồ, phơi được 9 lần là tốt nhất. Thành phần hoá học: Hà thủ ô đỏ chứa 1,7% anthraglycosid; crysophanol, emodin, rhein; chứa 1,1% protid; 42,2% tinh bột; 4,5% chất vô cơ; 24,6% chất tan trong nước. Cũng giàu nguyên tố vi lượng như mangan, canxi, kẽm và sắt. Thành phần hoá học của Hà thủ ô đỏ biến đổi trong quá trình chế biến. Hà thủ ô sống chứa 7,68% tanin, 0,259% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,805% anthraquinon toàn phần. Hà thủ ô sau chế biến chứa 3,82% tanin, 0,113% anthraquinon tự do, 0,25% dẫn chất anthraquinon toàn phần. Chất phospholipid có 3,49% trong dược liệu thô và 1,82% trong dược liệu đã chế biến. Tác dụng dược lý Nghiên cứu của y học hiện đại xác nhận rằng hà thủ ô đỏ có tác dụng hạ huyết áp, chống xơ cứng động mạch, làm giảm lượng đường trong máu, tăng cường miễn dịch, máu, làm giãn mạch máu, tốt cho tim mạch, thúc đẩy chức năng tuyến thượng thận, và thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, bảo vệ tim và mạch máu não, bảo vệ gan, tăng trưởng tóc, chống lão hóa, và kháng khuẩn. Hà thủ ô có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà, thuốc còn có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol của ruột thỏ, theo tác giả, thuốc có thành phần hữu hiệu kết hợp với cholesterol (Tân y học, 5 – 6, 1972). Thuốc có tác dụng phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch. Có thể tác dụng giảm xơ cứng động mạch và do thuốc có thành phần Lecithin (Tân y học, 5 – 6, 1972). Làm chậm nhịp tim. Làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành và bảo vệ được cơ tim thiếu máu. Thuốc giữ được tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà giữ được mức như lúc chuột còn non, tác dụng này có { nghĩa chống lão hóa nhưng cơ chế còn cần nghiên cứu thêm. Thuốc có tác dụng nhuận tràng do dẫn chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột (Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược – Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345 – 346). Hà thủ ô sống có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn Hà thủ ô chín. Tác dụng kháng khuẩn và virus: thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ Flexner. Thuốc có tác dụng ức chế virus cúm (Học báo Vi sinh vật 8,164, 1960). Vị thuốc hà thủ ô đỏ (Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh) Điều trị bệnh trong đông y thường dùng vị thuốc hà thủ ô đã qua bào chế. Tính vị: Vị thuốc hà tvị đắng, ngọt, se và hơi ấm Qui kinh: Vào 2 kinh can và thận. Công năng: Bổ máu và nhuận tràng, giải độc. Chỉ định và phối hợp: – Hội chứng Thiếu máu biểu hiện như da nhợt nhạt, hoa mắt, Chóng mặt, Mất ngủ, sớm bạc tóc, đau và yếu vùng lưng và đầu gối: Dùng phối hợp hà thủ ô với sinh địa hoàng, nữ trinh tử, câu kỷ tử, thỏ ti tử và tang kí sinh. – Táo bón do khô ruột: Dùng phối hợp hà thủ ô với đương qui và hoạt ma nhân. – Sốt rét mạn tính do suy yếu cơ thể: Dùng phối hợp hà thủ ô với nhân sâm, đương qui dưới dạng hà nhân ẩm. – Lao hạch: Dùng phối hợp hà thủ ô với hạ khô thảo và xuyên bối mẫu. Liều dùng: Liều thường dùng từ 10-30g đã qua chế biến. Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc hà thủ ô Chữa huyết hư máu nóng, tóc khô hay rụng, sớm bạc, và hồi hộp chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón, Bài thuốc: Hà thủ ô chế, Sinh địa, Huyền sâm, mỗi vị 20g sắc uống. Chữa người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh yếu khó có con Bài thuốc: Hà thủ ô 20g, Tầm gửi Dâu, Kỷ tử, Ngưu tất đều 16g sắc uống. Bổ khí huyết, mạnh gân cốt Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô tán nhỏ, luyện với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu vào lúc đói. Chữa đái dắt buốt, đái ra máu (Bệnh lao lâm) Lá Hà thủ ô, lá Huyết dụ bằng nhau sắc rồi hoà thêm mật vào uống. Điều kinh bổ huyết: Hà thủ ô (rễ, lá) 1 rổ lớn, Đậu đen 1/2kg. Hai thứ giã nát, đổ ngập nước, nấu nhừ, lấy vải mỏng lọc nước cốt, nấu thành cao, thêm 1/2 lít mật ong, nấu lại thành cao, để trong thố đậy kín, mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng được lâu mới công hiệu. Dưỡng huyết, khứ phong. Trị tỳ và phế có phong độc, nửa người ngứa, lở loét, thấp chẩn, bạch điến, lác, lang ben… Chích thảo, Hà thủ ô, Kinh giới tuệ, Mạn kinh tử, Phòng phong, Uy linh tiên. Tất cả tán bột. Mỗi lần dùng 4g. Uống với rượu ấm hoặc nước nóng, sau bữa ăn. Thanh lợi thấp nhiệt, khứ phong, giải độc. Trị phong thấp nhiệt độc, lở loét, vết thương chảy nước vàng, thịt thối loét. Bạch tiên bì, Cam thảo, Hà thủ ô, Khổ sâm, Kim ngân hoa, Kinh giới, Liên kiều, Mộc thông, Phòng phong, Thương truật, Thêm Đăng tâm, sắc uống. Hoặc chế thành viên. Mỗi lần uống 10g với rượu nhạt. Bổ can thận, ích tinh huyết, tráng cân cốt, làm đen tóc. Trị can thận bất túc, đầu váng, hoa mắt, tai ù, hay quên, chân mỏi, gối mỏi, tay chân mất cảm giác, tiểu đêm, huyết áp cao, động mạch xơ cứng, động mạch vành xơ cứng. Đỗ trọng 250g, Hà thủ ô 2,25kg, Hạn liên cao 500g, Hắc chi ma cao 500g, Hy thiêm thảo 500g, Kim anh tử cao 500g, Ngưu tất 250g, Nhẫn đông đằng 120g, Nữ trinh tử 250gSinh địa 120g, Tang diệp 250g, Tang thầm cao 500g, Thỏ ty tử 500g. Thuốc tán bột. Trộn chung với các loại cao và mật, làm hoàn. Mỗi hoàn 10g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 hoàn. Tham khảo Ai không nên dùng hà thủ ô? Hà thủ ô không thích hợp dùng cho những trường hợp bệnh nhân đờm nặng. Ngoài ra trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày, mất cảm giác ngon miệng, lưỡi nhờn, nếu dùng hà thủ ô với liều 12g có thể làm tăng tình trạng đau dạ dày, ăn không ngon miệng. Đối với người có áp huyết thấp và đường huyết thấp thì kiêng dùng. Người bị tiêu chảy không dùng Kiêng kị khi dùng Dùng quá liều (liều khuyến cáo 30g) có thể gây đau bụng, buồn nôn, nôn, một số trường hợp có thể gây sốt. Uống Hà thủ ô thì kiêng ăn hành, tỏi, cải củ. Tránh nhầm lẫn hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng Hà thủ ô trắng (Streptocaulon juventas Merr) còn gọi là dây vú bò về tính chất và công dụng khác với hà thủ ô đỏ.