DÂY ĐÒN GÁNH

Dây đòn gánh

Tên khác Tên thường gọi: Dây đòn gánh, Dây đòn kẻ trộm, Dây con kiến, Dây râu rồng, Đơn tai mèo, Hạ quả đằng, người Mường gọi là Seng thanh. Tên khoa học: Gouania leptostachya DC. var. tonkinensis Pit. Họ khoa học: Thuộc họ Táo ta – Rhamnaceae. Cây Dây đòn gánh (Mô tả, hình ảnh cây Đòn gánh, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả: Cây leo dài; cành non nhẵn, màu nâu sau đó xám nhạt. Lá hình bầu dục, như hình tim ở gốc, có mũi nhọn ở đầu, mép khía răng, nhẵn, gân mảnh nổi rõ ở mặt dưới; lá kèm rất dễ rụng; cuống lá hơi có khía rãnh ở mặt trên. Hoa tập trung thành chuỳ thưa ở nách lá hay đầu cành, cao 25cm. Hoa đơn tính, rộng 2-3mm; cánh hoa 1mm, màu trắng; nhị 5; bầu 3 ô. Quả khô có 3 cánh mềm, rộng 10-12mm, nâu bóng. Hoa tháng 7-9, quả tháng 9-12. Bộ phận dùng: Lá, dây – Folium et Caulis Gouaniae Leptostachyae. Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở ven rừng, ven khe suối, đồi trọc, bãi hoang ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Hà Bắc, Bắc Thái, Hoà Bình, Yên Bái vào tới tận Đồng nai, Bà Rịa. Lá dây thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Thành phần hoá học: Lá đắng do có alcaloid, vỏ và lá đều chứa saponin. Vị thuốc Dây đòn gánh (Tính vị, quy kinh, công dụng, liều dùng) Tính vị, tác dụng: Dây lá vị chua, se, tính mát; Tác dụng: Có tác dụng lương huyết giải độc, thư cân hoạt lạc.   Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân thường dùng cây này giã nhỏ thêm rượu xoa bóp vào những nơi sưng tấy, đau nhức do đòn, chỗ bị thương do ngã. Cũng dùng sắc uống hoặc ngâm rượu uống, có tác dụng đối với gân xương và bổ dưỡng. Lá được dùng giã đắp vào trán, gan bàn tay để giảm sốt; còn dùng chữa ngộ độc, sài giật, cảm gió. Ngày dùng 8-16g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Dùng ngoài lấy dây lá tươi giã đắp. Ở Ấn Độ, người ta cũng dùng lá giã đắp các vết thương. Ở Trung Quốc, dây lá được dùng trị cơ thể đau mỏi, dùng ngoài trị bỏng lửa và lở ngứa. Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Dây đòn gánh Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương: Dùng thân hoặc lá dây đòn gánh giã nhỏ thêm rượu nồng độ cao dùng để xoa bóp, đắp vào vết thương (không xoa vào vết thương chảy máu, hở da). Nếu ngã, va đập người đau ê ẩm thì có thể dùng 16g thân và lá dây gân sắc lấy 400ml nước, rồi cho thêm chút rượu vào uống, chia 3 lần uống trong ngày, dùng liền 3 ngày. Giảm sốt do viêm họng cảm cúm: Lấy 16g lá dây gân giã đắp vào trán, gan bàn tay để giảm sốt rất hiệu quả. Chữa bỏng nước sôi (thể nhẹ): Dùng lá và thân dây gân giã nát thêm chút nước sôi để nguội vào ngâm, chiết lấy dịch bôi vào vết bỏng liên tục giúp làm mát, giảm đau vùng thương tổn. Chữa cảm gió: Ngày dùng 8 – 16g dây gân sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn trưa. Uống trong hai ngày, kết hợp ăn cháo giải cảm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
Lưu ý: