CỎ MẦN TRÂU

Cỏ mần trầu

Tên khác

Tên dân gian: Cỏ mần trầu, Cỏ vườn trầu, Cỏ màn trầu, Cỏ dáng, ngưu tâm thảo, thanh tâm thảoTết suất thảo, Ngưu cần thảo, Màng trầu, Cỏ chỉ tía, Ngưu cân thảo, Hang ma (Tày), Co nhả hút (Thái), Hìa xú xan (Dao), Cao day (Ba Na), Hất t’rớ lạy (K’Ho), R’day (H’Dong)

Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaertn

Họ khoa học: thuộc họ Lúa – Poaceae.

Cây cỏ mần trầu

(Mô tả, hình ảnh cây cỏ mần trầu, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)

Mô tả:

Cỏ mần trầu là cây thuốc nam quý, dạng thảo sống hằng năm, cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh.

Cây ra hoa từ tháng 3-11.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Eleusinis Indicae.

Nơi sống và thu hái:

Cỏ mần trầu mọc hoang khắp nơi ở nước ta, ưa nơi ẩm ướt.

Loài cổ nhiệt đới, mọc phổ biến ở nhiều nơi, thường gặp ở bờ ruộng, ven đường, bãi hoang. Thu hái cây vào mùa khô, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học

Toàn cây chứa muối nitrat.

Phần trên mặt đất có chứa dẫn chất của bê ta sitosterol và palmitoyl; cành và lá tươi có flavonoid

Vị thuốc cỏ mần trầu

(Công dụng, tính vị, quy kinh, liều dùng…)

Tính vị, tác dụng:

Cỏ mần trầu có vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm, trừ thấp, cầm máu, tán ứ, làm mát gan.

Công dụng, chỉ định

Thường được dùng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và ít một. Còn dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền, động thai, Nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cũng dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.

Ở Trung Quốc, thường dùng chữa: 1. Ðề phòng chứng viêm não truyền nhiễm; 2. Thống phong; 3. Viêm gan vàng da; 4. Viêm ruột, lỵ; 5. Viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, cầm máu chó cắn.

Liều dùng

Liều lượng: 16 – 20 g khô hoặc 40 – 100g tươi, dạng thuốc sắc hay hoàn, thường dùng phối hợp với các vị khác.

Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc cỏ mần trầu

Chữa cao huyết áp

Dùng toàn cây Cỏ mần trầu, rửa sạch cắt nhỏ, cân 500g, giã nát, thêm chừng 1 bát nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, thêm chút đường, ngày có thể uống 1 lần sáng và chiều.

Ðề phòng viêm não truyền nhiễm:

Cỏ mần trầu 30g, dùng như trà uống trong 3 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày uống tiếp 3 ngày nữa.

Viêm gan vàng da:

Cỏ mần trầu tươi 60g, rễ tổ k n đực 30g sắc uống.

Viêm tinh hoàn:

Cỏ mần trầu tươi 60g, thêm 10 cùi vải, sắc uống.

Chữa cảm sốt nóng, khắp người mẩn đỏ, đi đái ít

Dùng 16g Cỏ mần trầu phối hợp với 16g rễ Cỏ tranh, sắc nước uống.

Trẻ con: Khi trẻ con bị mụn nhọt, sốt cao, sốt xuất huyết, rôm sảy, ban đỏ, tưa lưỡi:

Lấy cỏ mần trầu tươi (120g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Cỏ khô 20g sắc với 400ml nước còn 100ml chia uống hai lần.

Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa:

Lấy cỏ mần trầu tươi, rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt uống. Ngày 2 – 3 lần.

Trẻ đái dầm:

20g cỏ mần trầu, mùi tàu 20g, rau ngổ 20g, cỏ sữa lá nhỏ 10g thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chiều.

Sỏi thận, sỏi đường tiết niệu, sỏi bang quang:

Cỏ mần trầu, lá từ bi, kim tiền thảo, ké hoa đào, mỗi vị 20g nấu cùng 400ml nước sắc uống trong ngày. Ngày 3 lần sáng, trưa, chiều.

Viêm thận cấp, mãn tính:

Cỏ mần trầu 40g, cây tầm gửi 40g, râu mèo 20g, kim tiền thảo 20g, cỏ xước 20g sắc uống mỗi ngày trong vòng 1 tháng.

Trị chứng cao huyết áp thai kỳ:

Lấy cả cây, gồm rễ. Sau khi rửa sạch, thái nhỏ và cân đúng 50g. Lấy phần cỏ này đi giã nát và hòa với một bát nước sôi. Cuối cùng, vắt lấy nước trong để uống ngày 2 ngày. Vì cỏ đã có vị ngọt tự nhiên nên không cần thêm đường. Nhưng nếu thấy quá khó uống, có thể thêm chút xíu đường.

Trị động thai, táo bón, lo âu, nôn nghén, đau đầu hoặc tức ngực:

Phơi cỏ mần trầu khô, ngày lấy 12 – 16g nấu với 500ml nước, còn lại 300ml và uống ngày 2-3 lần.

An thai:

8g cỏ mần trầu, 8g cỏ tranh, vài lát gừng tươi, 1 nhánh sả và ít vỏ quýt. Tất cả đem rửa sạch và sắc lấy nước uống hàng ngày.

Để sản dịch mau hết:

Ngày sắc 50g cỏ mần trầu, lấy nước uống từ 2-3 lần để sản dịch mau hết và cơ thể sạch sẽ từ bên trong.

Ngoài ra, để chống rụng tóc như mưa sau sinh và chữa bệnh sa tử cung, người ta cũng dùng đến cỏ mần trầu.

Tham khảo

Cỏ mần trầu được ưa chuộng ở nước ngoài

Không chỉ người Việt Nam thích dùng các bài thuốc dân gian từ cỏ mần trầu mà nhiều nước khác ở khu vực Á châu và Nam Mỹ cũng dùng loại cây này trị bệnh.

Ở Malaysia, nước ép cỏ mần trầu được dùng cho phụ nữ sau khi sinh để mau hết sản dịch và dùng cho bệnh nhân hen suyễn.

Người Philippin thì dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa kiết lỵ, nước sắc dùng gội đầu sạch gàu, chống rụng tóc.

Người dân Bangladesh thì dùng rễ mần trầu kết hợp với một số loại cây khác để điều trị sa tử cung.

Người dân Sri Lanka lại dùng cỏ mần trầu rã nhỏ đắp lên da để trị bong gân.

Còn dân Venezuela thì nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh nhằm trị vàng da…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
Lưu ý: