Tai chuột
Tên khác Tên thường gọi: Cây Tai chuột còn gọi là Cây hạt bí, Mộc tiền, Qua tử kim. Tên tiếng Trung: 眼樹蓮 (眼树莲) Tên khoa học: Dischidia acuminata Cost. Họ khoa học: Thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae. Cây Tai chuột (Mô tả, hình ảnh cây Tai chuột, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả: Dây leo thường bám trên các cành cây và thõng xuống. Có 2 lá mọc đối nhau từng cặp, mọng nước, màu lục nhạt, nom giống như hai cái hạt bí hay hai cái tai chuột. Hoa nhỏ, màu trắng mọc ở nách lá. Quả gồm 2 quả đại thẳng. Hạt có lông. Toàn dây có nhựa mủ màu trắng. Ra hoa tháng 4-6. Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Dischidiae Acuminatae. Nơi sống và thu hái: Cây mọc chủ yếu ở vùng núi nước ta, thường gặp trên các cây gỗ ven rừng. Có thể thu hái cây và lá quanh năm. Thái nhỏ, dùng tươi sao vàng sắc uống hay phơi khô dùng dần. Vị thuốc Tai chuột (Tính vị, quy kinh, công dụng, liều dùng) Tính vị: Vị hơi chua, tính mát; Tác dụng: Có tác dụng lợi tiểu, sát trùng tiêu viêm. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa khí hư, đái vàng, lậu, chữa sưng tấy, móng tay lên chín mé, bỏng, thối tai và làm thuốc lợi sữa. Liều dùng 20-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy lá tươi giã đắp hoặc nấu nước rửa. Có thể giã nhỏ cũng với lá Hà thủ ô trắng lấy nước nhỏ vào tai chữa thối tai. Ứng dụng lâm sàng vị thuốc Tai chuột Chữa thận nhiệt, viêm đường tiết niệu, đái đục, nước tiểu vàng, đỏ, đái buốt và phụ nữ bạch đới: Dùng Tai chuột 40g, lá Bạc thau, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 30g, sắc uống. Chữa phù thũng: Lá Tai chuột, rễ Cỏ xước, Thài lài tía, Bông mã đề, mỗi thứ một nắm, sao qua, sắc uống.