Cỏ đuôi lươn
Tên khác: Tên thường gọi: Cỏ đuôi lươn còn có tên là Bồn chồn, Điền thông, Đũa bếp. Tên khoa học: Philydrum lanuginosum Banks (Garciana cochinchinensis Lour). Họ khoa học: Thuộc họ Cỏ đuôi lươn Philydraceae. Tên cỏ đuôi lươn là vì ngọn và cụm hoa giống đuôi con lươn. Tên điền thông được ghi trong Lĩnh nam thái dược lục. Cây cỏ đuôi lươn (Mô tả, hình ảnh cây cúc, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả Cỏ đuôi lươn là một loại cỏ mọc đứng, cao chừng 0,35-1,3m. Trên thân có rất nhiều lông ngắn màu trắng, trông như len, nhiều nhất là ở phía dưới cụm hoa. Lá hình gươm, dài 8-70cm, rộng 4-10mm, phía trên có vạch dọc, phía dưới có lông, lá ở gốc phủ lên nhau, có khi 4-5 lá, dài và hệp, lá trên thân nhỏ hơn, mọc so le. Cụm hoa mọc thành bông dài 2-5cm. Lá bắc tồn tại như lá nhưng nhỏ có lông hoặc không có lông. Hoa mọc so le, không cuống, đài 2, tràng 2, nhị 1. bầu 3 ngăn không rõ. Quả nang có lá bắc bao bọc, có lông mịn. Phân bố Cây mọc hoang ở những vùng lầy, ẩm ướt ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Bộ cũng có mọc. Có mọc cả ở Trung Quốc, Ấn Độ. Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Philydri. Thu hái và chế biến Hái bộ phận trên mặt đất phơi khô để dành mà dùng. Thành phần hoá học Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Vị thuốc cỏ đuôi lươn Công dụng Nhân dân Việt Nam và Trung Quốc đều dùng cây này làm thuốc. Tại các cửa hàng bán lá tại Hà Nội, người ta bán để cho phụ nữ dùng trước và sau khi sinh nở (chữa bệnh hậu sản). Tại Trung Quốc người ta dùng sát vào chỗ lở loét, rửa chỗ sưng đau. Uống trong ngày dùng 10-15g dưới dạng thuốc sắc. Liều dùng: Ngày dùng 10-15g sắc uống. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Cỏ đuôi lươn Phòng chữa chứng hậu sản: Lấy cây đuôi lươn khô 15 – 20g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Chữa lở loét, sưng đau: Dùng cây đuôi lợn giã nát rồi xát vào chỗ sưng đau hoặc nấu thành nước rửa chỗ lở loét. Kết hợp uống trong lấy cây đuôi lươn 10 – 15g, sắc lấy nước uống trong ngày.