MUỒNG TRÂU
Tên khác: Tên thường gọi: Muồng trâu còn gọi là Muồng lác, Cây lác, Muồng xức lác, Bhang, Ana drao bhao (Buôn mê thuột), Dâng het, Tâng hét, Dang hét khmoch ( Campuchia) Khi lek ban ( Lào). Tên khoa học: Cassia alata L. Họ khoa học: Thuộc họ Đậu – Fabaceae. Cây Muồng trâu (Mô tả, hình ảnh cây muồng trâu, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả Muồng trâu là một cây nhỡ, cao chừng 1,50m hay hơn, đường kính ( có thể tới 10-12cm). Lá có kích thước lớn, gồm một cuống 3 cạnh, hơi có dìa, dài 30-40cm, có 8 đến 14 đôi lá chét mọc đối; đôi lá chét đầu tiên nhỏ nhất, cách đôi lá chét sau một quãng hơi xa so với các quãng cách giữa các đôi lá chét sau, đôi lá chét tận cùng dài từ 12-14cm. Hoa tự mọc thành bông nhiều hoa ở kẽ lá, dài tới 30-40cm, hoa màu vàng nâu nhạt. Quả giap, dẹt, dài 8-16cm, rộng, 15-17mm, có hai dìa suốt dọc quả. Trong quả có tới 60 hạt, hình quả trám. Phân bố Cây này nguồn gốc ở Nam Mỹ, hiện nay được trồng ở khắp các nước vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam cây này mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, ta có cảm tưởng như nó có sẵn ở trong nước, nhiều nhất ở miền Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc ( Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh). Còn mọc ở Lào và Campuchia. Thu hái và chế biến Ta thường thu hái lá và thân vào mùa hạ thu, trước khi cây ra hoa. Dùng tươi hay phơi nắng cho khô. Quả thu hái vào tháng 10-12, lấy hạt phơi khô hay dùng tươi. Bộ phận dùng: Lá, cành, hạt, rễ – Folium, Ramulus, Semen et Radix Cassiae Alatae. Thành phần hóa học Trong lá, quả và rễ đều có chứa các dẫn chất anthraquinon. Có hàm lượng 0,15-0,20% ở lá, 1,5-2% ở quả. Trong lá có chrysophanol, aloe emodin, rheine emodin; có flavonoid là kaempferol. Ngoài ra còn có một steroid là sitosterol trong rễ cây. Tác dụng dược lý: Nghiên cứu gần đây ở nước ngoài cho thấy lá muồng trâu có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn, vì vậy cho rằng có triển vọng làm thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS. Cao lá muồng trâu có tác dụng bảo vệ gan tốt, thể hiện trên tác dụng làm giảm có ý nghĩa thống kê 73,58 % hoạt độ ALT và 31,32 % hàm lượng bilirubin ở chuột nhắt trắng bị gây viêm cấp bằng CCl4. Cao nước lá muồng trâu có tác dụng ức chế xơ gan, làm giảm 12,64 % hàm lượng collagen ở gan chuột cống trắng bị gây xơ gan bằng CCl4 ( P < 0,01 ). Cao nước lá muồng trâu có tác dụng chống viêm mạn tốt, làm giảm 26,6 % trọng lượng u hạt ở chuột cống trắng bị gây bởi amian (P < 0,05 ). Cao nước lá muồng trâu có tác dụng lợi mật, làm tăng 39,64 % lượng mật sinh ra ở chuột nhắt trắng. Cao nước lá muồng trâu có triển vọng trong nghiên cứu làm thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan cấp và mãn tính. Vị thuốc Muồng trâu (Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…) Tính vị và tác dụng Các bộ phận của cây có vị hơi đắng, mùi hăng hắc, tính mát; Có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Nếu sao vàng thì nhuận gan, tiêu thực, tiêu độc, tiêu viêm. Lá muồng trâu có vị cay, tính ấm; có tác dụng sát trùng, chống ngứa. Liều lượng: Ngày dùng 4-5 g, dạng thuốc sắc. Kiêng kỵ: Không nên sử dụng trong một thời gian dài, những người có tỳ vị hư hàn (thường bị lạnh bụng, tiêu chảy) thì không nên uống lá muồng trâu, vì sẽ dễ bị tiêu chảy. Ứng dụng lâm sàng của Muồng trâu Trường hợp bị nấm ngoài da, dị ứng da: Lá muồng trâu sắc đậm đặc dùng để tắm, hoặc đắp thẳng lên da hay biến chế thuốc dán từ lá đắp trực tiếp lên da. Ngoài ra có thể sử dụng 5 – 20g cuống lá và quả khô (không hạt), ngâm trong 1 lít nước đun sôi, uống 1 tách vào buổi tối. Một số nơi người ta cũng có thể xay lá trong nước ấm và bào chế như kem dùng vào nơi bị ngứa kích ứng 3 – 4 lần/ngày. Trị táo bón: Lá muồng trâu 20g, đun với 1 lít nước. Uống 1 cốc trước khi đi ngủ. Chữa viêm họng: Dung dịch nước ép lá nghiền nát, lọc và pha loãng, là một chất nước dùng để súc miệng trị đau cổ viêm họng rất hiệu quả. Chữa thấp khớp: Muồng trâu 40g, vòi voi 30 g, Tang ký sinh, Quế chi, Dứa dại, dễ Cỏ xước, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang trong 7-10 ngày. Chữa viêm thần kinh tọa: Muồng trâu 24g, cây lức 20g, Thần thông, rễ Nhàu, Kiến cò, mỗi vị 12g, Đỗ trọng 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Tham khảo Nhân dân thường dùng lá muỗng trầu để chữa bệnh hắc lào, bệnh tôcơlô (tokelau), bệnh sang bạc hàn vòng ( herpes circine) trong nhiều trường hợp dùng thuốc mỡ crizophanic hay thuốc mỡ crisarobin (chry-sảobin) chữa không khỏi thì dùng lá muỗng trầu chữa khỏi. Còn dùng chữa bệnh ghẻ của súc vật.