Hàn the
Tên khác Tên thường gọi: Hàn the, sơn lục đậu, dị diệp sơn lục đậu, thiết tuyến thảo Tên khoa học: Desmodium heterophyllum (Willd.) DC. Họ khoa học: Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae Papilionaceae. Lưu ý: Phân biệt cây hàn the với hàn the (Borax – là tinh thể màu trắng dùng trong thực phẩm) Cây hàn the (Mô tả, hình ảnh cây hàn the, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả Cây hàn the là 1 cây thuốc quý. Cây mọc bò rất nhỏ, phân cành từ gốc, cành trải ra mặt đất. Lá gồm ba lá chét, lá chét hình trái xoan ngược, mặt trên nhẵn, mặt dưới màu nhạt, lá kèm hình trái xoan nhọn, có nhiều vân. Cụm hoa ở nách, ít hoa, không cuống. Hoa nhỏ màu tím hồng. Quả thuôn không cuống, có 4-5 đốt, mỗi đốt chứa một hạt. Phân bố, thu hái và chế biến Cây mọc hoang dại ở các bãi cỏ, ven bờ ruộng ở khắp nước ta, Còn thấy ở nước nhiệt đới vùng đông nam á. Nhân dân dùng toàn cây tươi hay phơi khô. Mùa thu hái gần như quanh năm. Bộ phận dùng thuốc Toàn cỏ hàn the Thành phần hoá học Trong cây hàn the có chứa Alkaloid, Tanin Tác dụng dược lý Các nhà khoa học đã kiểm tra hoạt động chống viêm và giảm đau trên chuột gây ra bởi acid axetic và lambda-carrageenan. Nghiên cứu các cơ chế kháng viêm bằng việc kiểm tra hoạt động của glutathione peroxidase (GPx) và glutathione reductase (GRD) trong gan, mức độ interleukin-1beta (IL-1beta), yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha), malondialdehyde (MDA) và nitric oxide (NO) trong mô phù nề chân. Trong thử nghiệm giảm đau, đánh giá bằng cách giảm các phản ứng quằn quại do axit acetic gây ra . Kết quả cho thấy hàn the ba hoa có khả năng giảm đau và có tác dụng chống viêm. Vị thuốc hàn the (sơn lục đậu) (Tính vị, quy kinh, công dụng, liều dùng) Tính vị, tác dụng: Cây Hàn the vị hơi chua, tính mát. – Theo Võ Văn Chi, 2012, Từ điển cây thuốc Việt Nam(Bộ mới), tập I, trang 1070, NXB Y học, Hà Nội. Hàn the ba hoa có “vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, điều kinh chỉ thống. Lá lợi sữa, cầm ỉa chảy và lỵ, tiêu viêm tiêu sưng. Công dụng: Ta thường dùng chữa cảm nắng, bụng to, da vàng.” – Theo Đỗ Huy Bích và cs, 2004, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, trang 897, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội. “Hàn the có vị nhạt, hơi chua, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sát trùng, thông tiểu. Công dụng: Toàn cây hàn the được dùng làm thuốc chữa sốt, ho có đờm khò khè, đau dạ dày, viêm loét hành tá tràng.” Công dụng: Dùng chữa các chứng bệnh: sốt nóng, ho có đờm, các vết thương, phần mềm bị viêm tấy, loét, phụ nữ băng huyết. Thường dùng chứa các chứng lậu ra máu, đái buốt, bí tiểu tiện do cơ thể bị nhiệt quá, dùng giải nhiệt, chữa sốt và ho khò khè, đau dạ dày, viêm loét hành tá tràng. Dùng ngoài, giã nát đắp bó gãy xương, chữa vết thương lở loét, rò, mụn mủ, bướu. Liều dùng Dùng từ 10 – 20g (Sắc hoặc hãm lấy nước) Dùng ngoài băng bó các vết thương phần mềm làm chóng lành, lên da thịt không cố định liều dùng Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc hàn the Chữa sốt, viêm đường tiết niệu: Hàn the 40g, lá tre 40g, thân cây sậy 40g. Nấu sắc uống. Chữa phù thiểu niệu do suy tim, suy thận Hàn the 30g, lá mã đề 30g, cam thảo đất 30g. Nấu sắc uống. Chữa các chứng lậu ra máu, đái buốt: Dùng cây Hàn the và củ Gai giã nhỏ, chế nước, vắt lấy nước cốt uống. Hoặc dùng 2 thứ bằng nhau mỗi vị một nắm, sắc uống. Tham khảo Ở Việt Nam thường dùng làm thuốc chữa cảm nắng, bụng to, da vàng. Ở Ấn Độ, lá được dùng trị ỉa chảy, lỵ và co giật. Lá tươi giã đắp vết thương và apxe. Ở Campuchia, phần thân mang lá dùng phối hợp với các vị khác sắc nước cho phụ nữ sinh đẻ uống để tăng lực. Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa sưng vú, phát sốt phát rét, ăn uống không tiêu, rắn cắn; hoàng đản, kiết lỵ, viêm ruột, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.