Dây quai bị
Tên khác: Tên thường gọi: Dây quai bị, Dây dác, para (Phan Rang), tứ thư xấu Tên tiếng Trung: 厚叶崖爬藤 Tên khoa học: Tetrastigma strumarium Gagnep Họ khoa học: thuộc họ Nho – Vitaceae. Cây dây quai bị (Mô tả, hình ảnh cây dây quai bị, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả: Cây dây quai bị là một cây thuốc nam quý, dạng dây leo, thân hơi dẹp; tua cuốn đơn. Lá mang 5 lá chét, từng đôi lá chét bên trên một cuống phụ chung, phiến lá dày như da, mặt dưới mốc, gân phụ 4-5 cặp, khó nhận, mép có 4-5 răng tù. Ngù hoa ngắn ở nách lá; hoa trắng, thuôn; cánh hoa dài 2,5mm. Quả mọng tròn tròn, vàng vàng, to cỡ 1,5cm; hạt 2-3. Ra hoa vào tháng 3-4, có quả tháng 8-11. Bộ phận dùng: Lá – Folium Tetrastigmae Strumarii. Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các lùm bụi, bờ rào và rừng còi, nhiều nơi ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng tới Ninh Thuận. Còn phân bố ở Campuchia, Philippin. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi. Thành phần hóa học, tác dụng dược lý (hiện chưa có nghiên cứu) Vị thuốc dây quai bị (Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh) Vị thuốc dây quai bị là một vị thuốc quý. Công dụng: Dùng chữa sốt, nhức đầu, đánh gió, chữa quai bị, mụn nhọt, gẫy xương. Liều dùng: Dùng ngoài: liều lượng 50-100g lá tươi, giã đắp. Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc dây quai bị Chữa gẫy xương Dùng lá Dây quai bị phối hợp với lá Đại bi, củ Sả, lá Náng hoa trắng, lá Dâu tằm, gà con mới nở, xôi nếp, cùng giã đắp bó. Chữa viêm tai giữa: Dùng lá Dây quai bị giã nát lấy nước nhỏ vào tai. Tham khảo Tránh nhầm lẫn cây Giảo cổ lam với cây dây quai bị Giảo cổ lam còn có tên là Thất diệp đảm (mật đắng 7 lá), Phúc âm thảo (thứ cỏ mang lại may mắn), Ngũ diệp sâm (sâm 5 lá), Tiểu khổ trà (trà đắng nhỏ), Biến địa sinh căn (rễ mọc lan ra khắp mặt đất)… Hiện tại ở một số nước, thường gọi là Nam phương nhân sâm, Kháng nham tân tú (thuốc chống ung thư ưu tú mới phát hiện). Tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum (Thunb) Makino, thuộc họ Bí (Curcurbitaceae). Giảo cổ lam có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây cái và cây đực riêng biệt. Lá kép có hình chân vịt. Cụm hoa có hình chuỳ, nhiều hoa nhỏ màu trắng, cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô có hình cầu, đường kính khoảng 5 – 9 mm, khi chín có màu đen.