Đơn buốt
Tên khác Tên thường gọi: Còn gọi là Đơn kim, Quỷ trâm thảo, Manh tràng thảo, Tử tô hoang, Cúc áo, Xuyến chi, Song nha lông. Tên tiếng Trung: 鬼针草 Tên khoa học: Bidens pilosa L. Họ khoa học: Thuộc họ Cúc Asteraceae. Cây Đơn buốt (Mô tả, hình ảnh cây Đơn buốt, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…) Mô tả: Đơn buốt là một loại cỏ mọc hằng năm, thân cao 0.4-1m. Thân và cành đều có những rằng những rãnh chạy dọc, có lông. Lá mọc đối, cuống dài, phiến lá kép gồm 3 lá chét. Lá chét hình mác, phía đáy hơi tròn, cuống ngắn, mép lá chét có răng cưa to thô. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc ở nách lá hay ở đầu cành, mọc đơn độc hay từng đôi một. Quả bế hình thoi, 3 cạnh không đều, dài 1cm, trên có rãnh chạy dọc. Phân bố Mọc hoang ở khắp nơi tại miền Bắc, miền Trung nước ta, còn thấy mọc ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philipin. Thu hái và chế biến Thường dùng toàn cây tươi hay sấy khô, thường thu hái vào mùa hè, lúc cây đang ra hoa. Có nơi chỉ dùng hoa phơi khô ngâm rượu. Thành phần hoá học Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Vị thuốc Đơn buốt (Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…) Tính vị Vị đắng, tính bình Tác dụng Có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Đơn buốt Chữa ghẻ lở: Rau đơn buốt giã nát, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương là da sẽ mau lành. Trị sốt rét, đau đầu: Nghiền lá ra để đắp. Trị đau bụng: Lấy dịch lá uống. Trị bỏng da do lửa hay bị bỏng nước sôi: Rau đơn buốt vò nát đắp lên da. Chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Dùng khoảng 15 đốt cành cây đơn buốt, cắt nhỏ từng đoạn 5mm, cho vào túi nilon đập nát rồi cho vào ấm có vòi với lượng nước vừa đủ, đun sôi, dùng giấy cuộn thành ống lắp vào đầu vòi, cho vào mũi để hít hơi nước, hơi thuốc vào mũi, thỉnh thoảng hít cả vào miệng. Thời gian xông 10 – 15 phút. Xông liên tục 3 – 5 ngày, bệnh nặng có thể xông 7 – 10 ngày. Cần chú ý không dùng cho phụ nữ có thai. Chữa côn trùng, ong đốt, rắn cắn, bò cạp đốt: Dùng cành cây đơn buốt giã nhỏ, đắp lên các tổn thương. Chữa chấn thương, đau nhức: Dùng cành cây đơn buốt giã nhỏ, băng đắp lên tổn thương ở cơ bắp, khi khô lại dùng rượu nhạt nhỏ thêm vào bã thuốc. Chữa mụn cơm: Dùng nhựa mủ cây đơn buốt đắp lên mụn cơm. Tham khảo Đơn buốt thường dùng nấu nước (100-200g nấu với 4-5 lít nước) tắm trong trường hợp bị mẩn ngứa, bã xát kỹ lên vết mẩn. Thường chỉ dùng 1-2 lần là thấy kết quả. Lá tươi giã nát dùng đắp lên mi mắt khi bị đau mắt. Một số nơi dùng hoa ngâm rượu ngậm trong trường hợp bị Đau răng. Theo kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc, đơn buốt có tác dụng chữa lỵ, yếu hầu, cổ họng sưng đau, nấc. Còn có tác dụng giải độc, cầm đi ỉa, giải nhiệt. Dùng ngoài chữa bọ cạp, nhện, rắn cắn. Gần đây tại Trung Quốc có kinh nghiệm dùng cây đơn buốt chữa viêm ruột thừa có kết quả. Ngày dùng 4-16g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Chú thích: Ngoài cây đơn buốt mô tả trên, trong nhân dân còn dùng một cây khác cũng có tên đơn buốt hay đơn kim hay quỷ trâm thảo. Cây này chỉ khác với cây trên ở chỗ lá kép có nhiều lá chét, cụm hoa hình đầu thường mọc 2 hay 3, cũng màu vàng. Cùng một công dụng và liều dùng, tại Trung Quốc cũng thấy dùng chung cả hai cây nói trên. Cần chú ý nghiên cứu.