CỦ SẮNG

Cây củ đậu

Tên khoa học: Cây củ đậu Còn gọi là Củ sắng, Măn phăo, krâsang, Sắn nước.

Tên khoa học: Pachyrhizus erosus (L) urb, Họ khoa học: Thuộc họ cánh bướm Fabaceae.

Cây Củ đậu (Mô tả, hình ảnh cây Củ đậu, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)

Mô tả Cây củ đậu là một loại cây leo, có rễ củ hình như con quay lớn. Lá kép gồm 3 lá chét, mỏng. Hình hơi quả trám dài 4-8cm, rộng 4-12cm, những lá phía dưới không đối xứng. Hoa màu tím nhạt, khá lớn, mọc thành chùm dài ở kẽ lá. Quả hơi có lông, không cuống, dài 12cm, rộng 12mm, ở khe các hạt hơi lõm xuống. Trong quả có tới 9 hạt, đường kính chùng 7mm, hình thấu kính. Hạt cứng khó giã nhỏ.

Phân bố Cây được trồng khắp mọi nơi, bà con thường lấy củ ăn sống, có khi xào nấu. Củ đậu mát, vị ngọt còn dùng để đắp mặt hay giã nhỏ lấy nước bôi lên mặt dưỡng da và chữa Trứng cá.

Thành phần hóa học: Trong rễ củ (củ đậu), sau khi đã bóc vỏ có tới 90% nước; 2,4% tinh bột; 4,51% đường toàn bộ (biểu thị bằng glucoza); 1,46% protít; 0,39% chất vô cơ; không thấy có chất béo, không thấy có tanin, không có axìt xyanhydric. Có men peroxyđaza, amyiaza và photphataza. Trong hạt củ đậu có 12,27% độ ẩm; 20,13% chất béo; 30,61% chất protit; 4,8% tanin; 5,85% tinh bột; 3,25% đường toàn bộ (biểu thị bằng đường glucoza). Trong hạt củ đậu có một chất độc gọi là rotenon và tephrosin. Tỷ lệ rotenon trong hạt củ đậu khoảng từ 0,56- 1,01%. Trong lá cũng có các chất như trong hạt.

Tác dụng dược lý Rễ củ đậu không độc. Được dùng ăn sống hoặc xào nấu chín. Có khi người ta ép củ lấy nước bôi mặt để làm cho da dẻ mịn màng, khỏi nẻ. Lá độc đối với cá và với loài nhai lại, nhưng không độc đối với ngựa. Hạt độc đối với cá và sâu bọ. Tại Trung Quốc, người ta dùng nó để trị các loại sâu hại rau, rệp bông, rầy bông (một kg hạt giã nhỏ, thêm nước xà phòng và 200 lít nước). Nhân dân ta vẫn dùng hạt củ đậu giã nhỏ trộn với dầu để chữa một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên có độc, cần chú ý để tránh ngộ độc.

Vị thuốc Củ đậu (Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng ….)

Tính vị Củ đậu có vị ngọt, tính mát Quy kinh Vào 2 kinh Phế và Vị.

Tác dụng Có tác dụng tinh tân chỉ khát (tăng dịch sinh lý, chống khát) và giải độc rượu.

Ứng dụng lâm sàng của củ đậu Giải độc rượu: Dùng củ đậu trộn với đường cát ăn. Sử dụng thường xuyên có tác dụng giải độc rượu rất tốt đối với những người nghiện rượu, nhiễm độc rượu mạn tính.

Thuốc trừ sâu hại cây: Hạt của đậu ngâm với nước một đêm, sau giã nhỏ, thêm nước với tỷ lệ 1,5-2% hoặc 4% trộn đều. Phun lên những cây rau, cây bông, cây thuốc lá, … ở ngoài ruộng. Có tác dụng diệt sâu rau, sâu tơ, rệp rau, rệp thuốc lá, rệp bông, rầy bông, rầy lúa, bọ nhảy. Nói chung, sau 24-36 giờ rệp và nhện đỏ chết hết hay gần hết (90-100%).

Chữa ghẻ, da lở loét lâu ngày: Hạt củ đậu giã nhỏ, nấu với dầu vừng, để nguội, bôi hàng ngày. Có thể phối hợp với quả bồ hòn, hạt máu chó, lượng tùy ý.

Dùng lá củ đậu giã nát, xát vào chỗ ghẻ cũng có tác dụng. Chú ý Bộ phận gây độc chính là ở lá và hạt, đều có thành phần chất rotenon và tephrosin. Những chất này rất độc với người, nếu ăn phải toàn thân co giật, đau bụng dữ dội, miệng nôn trôn tháo, đường huyết tụt, loạn nhịp tim, mê man bất tỉnh và tử vong do Suy hô hấp . Trường hợp này phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu để được xử trí kịp thời bằng cách rửa dạ dày, chống độc, lợi tiểu và trợ hô hấp. Nhiều nơi bà con còn dùng hạt củ đậu giã ra hòa với nước phun vào cây cối để trừ sâu bọ và rệp. Nên chú ý vì có độc nên bà con phải có trang bị phòng độc khi sử dụng dung dịch này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
Lưu ý: