SÀI HỒ
Tên khác: Vị thuốc Sài hồ còn gọi Bắc sài hồ, sà diệp sài hồ, trúc diệp sài hồ Tên khoa học: Radix Bupleuri Bộ phận làm thuốc là rễ cây Sài hồ (Bepleurum chinense DC.) thuộc họ Hoa tán ( Umbelliferae). Cũng có cây Sài hồ tên khoa học là Bupleurum scorzoneraefolium Willd dùng rễ hoặc toàn cây làm thuốc như nhau. Tên tiếng Trung: 柴胡 Cây Sài hồ ( Mô tả, hình ảnh cây Sài hồ, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….) Mô tả Đây là loại cây bụi cao 0,5 – 3m, phân nhánh ở gốc, tiết diện thân tròn. Thân non có màu xanh, có một ít lông mịn; thân già màu xanh nâu hoặc hơi tía, nhẵn. Lá mọc so le, hình thìa, mép có răng cưa; phiến lá dày, láng ở mặt trên, nhạt màu ở mặt dưới, có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu, màu đỏ nhạt, hơi tim tím với 4-5 hàng lá bắc. Các đầu này lại họp thành 2-4 ngù. Quả bế có 10 cạnh, có mào lông không rụng. Phân bố, sinh học và sinh thái Ở Việt Nam, cây thường thấy ở các tỉnh vùng ven biển, nhiều nhất ở khu vực miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nam sài hồ là cây ưa sáng, thường mọc thành khóm riêng lẻ và thích nghi đặc biệt với vùng nước lợ nhưng cây vẫn có thể sinh trưởng tốt ở vùng nước ngọt hoặc những vùng bị nhiễm mặn, đôi khi cũng tạo thành quần thể tương đối điển hình. Mùa hoa quả: 5-7. Bộ phận dùng Rễ và lá trong đó rễ thu hái quanh năm, đào vè cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có thể tẩm rượu hoặc mật ong sao thơm. Dùng tươi, phơi khô hay nấu thành cao. Thành phần chủ yếu: Trong Sài hồ có chừng 0,50% chất saponin, một chất rượu gọi là Bupleurumola, phytosterola và một ít tinh dầu. Trong thân và lá có chất rutin. Tác dụng dược lý: Theo kết quả các công trình nghiên cứu thuốc có tác dụng: Giải nhiệt: trên thực nghiệm và lâm sàng đều được ghi nhận. An thần: giảm đau làm dịu đau tức sườn ngực, khai uất điều kinh. Kháng khuẩn: in vitro có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn lao. Kháng virut: có tác dụng ức chế mạnh virut cúm và ức chế virut bại liệt. Tác dụng như cocticoit kháng viêm. Bảo vệ gan và lợi mật. Hạ mỡ trong máu. Tác dụng tăng cường thể dịch miễn dịch và miễn dịch tế bào. Tăng khả năng tổng hợp protein của chuột. Nước sắc Sài hồ có tác dụng ức chế mạnh liên cầu khuẩn tan huyết, phẩy khuẩn thổ tả, trực khuẩn lao, leptospira, virut cúm. Thuốc còn có tác dụng kháng virut viêm gan, virut viêm tủy týp I, vi trùng sốt rét. Vị thuốc Sài hồ ( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. ) Tính vị – Qui kinh Vị đắng tính hơi hàn, qui kinh Can Đởm. Công dụng: Hóa giải thoái nhiệt, sơ can chỉ thống, thăng dưỡng khí triệt ngược tà ( trị sốt rét). Liều dùng: 4 -16g. Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Sài hồ Trị ngoại cảm: Tiểu sài hồ thang ( Thương hàn luận): Sài hồ 12 – 16g, Bán hạ 8 -12g, Hoàng cầm 8 -12g, Đảng sâm 8 -12g, Chích thảo 4 – 6g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 4 – 6 quả. Trị chứng can khí: Tiêu dao tán ( Hòa tể cúc phương): Sài hồ 12g, Đương qui 12g, Bạch thược 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Chích thảo 4g, sắc nước uống, có thể gia giảm tùy theo triệu chứng. Trong những trường hợp lóet dạ dày tá tràng, rối loạn kinh nguyệt, cao huyết áp, suy nhược thần kinh. có những triệu chứng như trên dùng bài này gia giảm chữa bệnh đều có kết quả. Tiêu chảy kéo dài, sa trực tràng, sa tử cung, kinh nguyệt kéo dài, rong kinh, khí hư ra nhiều ( do suy nhược thần kinh) thường dùng bài: Bổ trung ích khí ( tỳ vị luận): Hoàng kỳ 20g, Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Đương qui 12g, Trần bì 4 – 6g, Chích thảo 4g, Thăng ma 4 – 8g, Sài hồ 6 – 10g, sắc nước uống. Chữa sốt rét: Dùng bài Tiểu sài hồ ( như trên ) gia Thảo quả, Thường sơn mỗi thứ 12g sắc nước uống. Trị cảm mạo thường: Sài hồ ẩm ( Sài hồ, Phòng phong, Trần bì, Thược dược, Cam thảo, Gừng tươi) mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g. Đã trị 666 ca kết quả 79% ( Tạp chí trung y 1985, 12:13) Trị viêm gan: Cam sài hợp tể ( Cam thảo, Sài hồ mỗi thứ 1/2), mỗi lần 10 ml, ngày 3 lần, ( tương đương với Cam thảo, Sài hồ mỗi thứ 15g/ngày). Trị chứng mỡ máu cao: Dùng thuốc giảm mỡ 20ml ( tương đương Sài hồ 3g, thêm La hán quả gia vị) ngày uống 3 lần, một liệu trình 3 tuần, trị 86 ca, tác dụng tốt đối với triglycerit ( Lý tông Kỳ, Tạp chí Trung y 1988,2:62). Trị viêm giác mạc do virút: Sài hồ chế thuốc nhỏ mắt (10%), mỗi giờ một lần và chích dưới kết mạc, mỗi lần 0,3 – 0,5ml, chích cách nhật, chích bắp mỗi lần 2ml, ngày 1 – 2 lần. Ngô Đức Cửu dùng 3 phương pháp trên trị 18 ca, thời gian điều trị bình quân mỗi ca 16 gnày đều khỏi ( Thông tin Trung dược học 1978,12:29). Trị liput ban đỏ: Thuốc tiêm Sài hồ tiêm bắp mỗi lần 2 ml ( tương đương thuốc sống 4g), mỗi ngày 2 lần, liều dùng trong 10 ngày. Trị 13 ca đều khỏi ( Lưu bàng Phi, Thông tin Phòng trị bệnh ngoài da 1979,2:10). Tham khảo Chú ý lúc dùng thuốc: Theo một số tác giả không nên dùng Sài hồ trong những trường hợp sau: ho do phế âm hư, triều nhiệt ( sốt có định kỳ). Đối với bệnh nhân huyết áp cao có triệu chứng đau đầu, ù tai, chóng mặt ( hội chứng can hỏa thượng nghịch). Sài hồ không nên dùng liều cao vì có thể làm tăng bệnh, thậm chí gây xuất huyết. Trường hợp lao phổi nếu có biểu chứng, can khí uất nên dùng Sài hồ lượng ít độ 4 – 6g. Sài hồ thường dùng chung với Bạch thược để tăng tác dụng thư can trấn thống vừa để làm dịu tính kích thích của sài hồ đối với cơ thể. Một số món ăn từ sài hồ Sài hồ ẩm: Sài hồ 15g, huyền hồ 15g. Hai vị nghiền vụn, cho nước sôi pha hãm trong 15 phút để uống thay nước trà, ngày 1 lần. Dùng cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp, viêm ruột cấp, đau đầu, choáng váng, nôn ói, tiêu chảy đau quặn bụng. Cháo sài hồ quyết minh tử cúc hoa: Sài hồ 15g, quyết minh tử 20g, cúc hoa 15g, đường phèn 15g, gạo tẻ 100g. Cả 3 vị thuốc nấu lấy nước, bỏ bã. Lấy nước sắc được nấu với gạo; khi cháo được, thêm đường phèn 15g, khuấy tan đều. Ngày nấu 1 lần chia 2 lần ăn. Dùng cho trường hợp đau đầu, bồn chồn kích động giận dữ mất ngủ. Cháo sài hồ địa long: Sài hồ 15g, địa long (đã chế biến) 10g, đào nhân 10g, xích thược 10g, gạo tẻ 60g. Sắc thuốc lấy nước, bỏ bã. Lấy nước sắc nấu với gạo, khi cháo chín cho thêm đường đỏ (đường hoa mai) lượng thích hợp khuấy đều. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn lúc nóng. Liên tục trong từ 7 đến 20 ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm mũi, trĩ mũi mạn tính gây tắc ngạt mũi, đờm ít quánh dính, giảm khả năng ngửi kèm theo có đau đầu ù tai, quên lẫn.